Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng
Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng miếng và sẽ triển khai phương án khác để bình ổn thị trường vàng, dự kiến từ ngày 3/6.
Ngày 28/5/2024, báo VnExpress đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Ngân hàng Nhà nước dừng đấu thầu vàng”. Nội dung cụ thể như sau:
Thông tin được Ngân hàng Nhà nước cho biết tối 27/5. Phương án bình ổn thị trường mới chưa được nhà chức trách tiết lộ.
Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC có lúc đạt 85 triệu đồng một lượng vào tháng 4, trước khi đạt kỷ lục hơn 92 triệu đồng vào tháng 5. Chênh lệch với giá thế giới neo ở mức cao, có thời điểm hơn 20 triệu đồng một lượng.
Để tăng cung bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu gọi thầu vàng miếng SJC từ ngày 22/4. Sau 9 phiên đấu thầu, có 6 phiên thành công, với hơn 48.000 lượng vàng miếng được nhà điều hành tung ra thị trường.
Càng về sau, khối lượng đấu thầu vàng thành công càng tăng. Phiên gần nhất tổ chức ngày 23/5 có 11 ngân hàng và doanh nghiệp đã mua 13.400 lượng, chiếm gần 80% quy mô chào thầu.
Tuy nhiên theo nhiều đại biểu Quốc hội, giải pháp này chưa hiệu quả. Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nói, cách thức thực hiện các phiên đấu thầu vàng vừa qua không rõ mục tiêu. Theo ông, giá sàn – mức nhà chức trách công bố để doanh nghiệp bỏ thầu – cao, nên các đơn vị khi trúng thầu khó bán thấp hơn.
Để kéo vàng trong nước về sát với quốc tế, các chuyên gia cho rằng, nhà chức trách cần tính đúng, đủ giá thành sản xuất trong nước, cộng với chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để làm giá khởi điểm đấu thầu.
Bên cạnh đó, đấu thầu chỉ là giải pháp tình thế, dài hơi hơn khi sửa đổi Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước cần tính đến phương án bỏ độc quyền vàng miếng SJC.
Vừa qua, ngoài tăng cung qua đấu thầu, cuối tháng 5, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thanh tra kinh doanh vàng của 4 doanh nghiệp lớn SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu và hai ngân hàng TPBank, EximBank. Thời gian thanh tra từ 2020 đến giữa tháng 5/2024.
Cùng ngày, báo Quân đội Nhân dân đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng hôm nay (28-5): Đồng loạt tăng”. Nội dung cụ thể như sau:
Giá vàng trong nước hôm nay
Giá vàng trong nước tăng với vàng SJC gần chạm ngưỡng 90 triệu đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh niêm yết ở mức 87,9 triệu đồng/lượng mua vào và 89,9 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 400.000 đồng ở cả 2 chiều.
DOJI tại khu vực Hà Nội đã điều chỉnh tăng giá mua thêm 200.000 đồng lên mức 87,7 triệu đồng/lượng nhưng giữ nguyên mức giá bán của hôm qua là 89,3 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Giá vàng Vietinbank niêm yết ở mức 87,9 triệu đồng/lượng mua vào và 89,9 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 400.000 đồng ở cả 2 chiều. Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 87,7 triệu đồng/ lượng và bán ra mức 89,5 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng chiều mua và 100.000 đồng chiều bán so với rạng sáng qua.
Giá mua và giá bán vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang lần lượt là 87,9 triệu đồng/lượng và 89,6 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán. Phú Quý SJC đang thu mua vàng miếng với giá 87,7 triệu đồng/lượng và bán ra 89,4 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng miếng trong nước cập nhật lúc 5 giờ 30 phút sáng 28-5 như sau:
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới tăng với vàng giao ngay tăng 15 USD lên 2.350,7 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.352,5 USD/ounce, tăng 18 USD so với rạng sáng qua.
Giá kim loại màu vàng thế giới tăng nhẹ vào đầu tuần khi các nhà đầu tư kỳ vọng báo cáo lạm phát quan trọng công bố vào cuối tuần này sẽ làm thay đổi quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc cắt giảm lãi suất.
Thời gian qua, quan điểm lãi suất tích cực của Fed đã gây ra áp lực lớn cho thị trường kim loại quý. Theo chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS, vàng đã phải hứng chịu những bình luận “diều hâu” hơn từ các quan chức Fed và dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn mong đợi. Vàng thỏi đã mất đi 100 USD kể từ khi kim loại quý này đạt mức cao kỷ lục 2.449,89 USD/ounce vào tuần trước.
Theo biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, các quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ chỉ ra rằng, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự đoán để đưa lạm phát xuống mức 2%.
Theo chuyên gia phân tích thị trường Lukman Otunuga của FXTM, trong môi trường hiện tại, thị trường vàng sẽ nhạy cảm với dữ liệu lạm phát. Theo đó, nếu báo cáo cho thấy áp lực giá giảm có thể sẽ khơi dậy hy vọng cắt giảm lãi suất của Fed và thúc đẩy giá vàng. Ở chiều ngược lại, nếu PCE cao hơn dự báo của thị trường, nó sẽ giáng một đòn khác vào kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Fed và khiến giá vàng càng giảm sâu hơn. Chuyên gia này nói rằng, đà giảm có thể đưa giá về mức hỗ trợ 2.300 USD/ounce hoặc thấp hơn.
Trong khi vàng thường được coi là biện pháp bảo vệ chống lại lạm phát, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng. Hiện tại, các nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Ngân hàng Trung ương Mỹ, dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu để có thêm manh mối về đường hướng chính sách của Fed trong tương lai.
Theo công cụ CME FedWatch, các nhà giao dịch hiện đang định giá khoảng 61% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 11. Staunovo dự báo giá vàng sẽ tiếp tục biến động và mức giảm giá sẽ không lớn. Về hướng đi của vàng trong trung hạn, chuyên gia này vẫn duy trì sự lạc quan rằng, vàng sẽ kiểm tra mức cao kỷ lục mới vào cuối năm nay.
Với giá vàng trong nước tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.350,7 USD/ounce (tương đương gần 72,2 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 17 triệu đồng/lượng.