Bão Sao La có thể mạnh lên cấp siêu bão, một số vùng biển bắt đầu có gió giật mạnh và mưa dông
Bão Sao La được đánh giá là cơn bão có hướng đi phức tạp, được cơ quan dự báo thời tiết của Việt Nam theo dõi sát sao.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, bão Sao La ngoài khơi biển Đông là cơn bão có đường đi phức tạp và được theo dõi chặt chẽ. Từ thông tin dự báo của các trung tâm thời tiết những quốc gia lân cận, lúc 8h sáng nay 27-8 bão Sao La đang ở 16,8 độ vĩ bắc, 123 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh 185km/h (tương đương cấp 16, cấp siêu bão).
Trong 24 giờ tới, bão Sao La di chuyển theo hướng đông, cường độ có khả năng tiếp tục mạnh thêm. Đến 8h sáng mai cường độ bão mạnh cấp 17 (205km /h).
Vị trí của cơn bão Sao La đến sáng ngày 27/8
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia mới đây phát đi cảnh báo mưa dông, gió mạnh kèm theo sóng biển lớn trên vùng biển một số khu vực.
Phía đông khu vực giữa và Nam biển Đông có mưa rào và dông. Ở trạm đảo Phú Quý có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – 8.
Dự báo ngày và đêm 27/8, khu vực phía Đông của Bắc biển Đông và giữa biển Đông, Nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông rải rác.
Vùng biển phía Tây khu vực giữa biển Đông, khu vực Nam biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động, sóng biển cao từ 2 – 3,5m.
Bão Sao La mạnh lên cấp siêu bão và có hướng di chuyển phức tạp
Đến ngày vào đêm 28/8, những vùng biển kể trên tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 – 8, biển động, sóng biển cao từ 2 – 4m.
Theo thông tin được Trung Tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia cung cấp, cơn bão có tên Sao La là 1 trong 10 tên bão do Việt Nam đề xuất. Hiện tại bão Sao La chưa di chuyển vào biển Đông nên chưa được tính là cơn bão chính thức của Việt Nam. Nếu cơn bão này không đi vào biển Đông, thì tháng 8 này không xuất hiện bão, áp thấp nhiệt đới nào trên biển Đông.
Đây là lần thứ 3 trong vòng 30 năm qua (sau năm 2011 và 2015) vào tháng 8 không có bão trên biển Đông. Nguyên nhân là do tác động của El Nino khiến bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện ít hơn bình thường.
Trước đó theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, trên biển Đông có khả năng sẽ xuất hiện khoảng 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 2-3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp về quỹ đạo và cường độ.
Tại Việt Nam đến thời điểm này của năm 2023 khi nhận có 2 cơn bão xuất hiện (Ảnh minh họa)
Cơ quan dự báo khí tượng cũng cảnh báo bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển.
Trong tháng 7/2023 đã xuất hiện 2 cơn bão trên khu vực biển Đông là: cơn bão số 1 (Talim) và cơn bão số 2 (Doksuri). Trong đó cơn bão số 1 đổ bộ vào khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào ngày 18/7, sau đó đi dọc theo biên giới Việt – Trung rồi suy yếu thành một vùng thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng – Lạng Sơn (Việt Nam) vào chiều tối ngày 19/7. Cơn bão số 2 xuất hiện trên khu vực Đông Bắc biển Đông nhưng không gây ảnh hưởng đến đất liền nước ta.