Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu còn 15 năm, lương hưu có thấp?
Việc quy định giảm thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu không có nghĩa là về già lương thấp, đây chỉ là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (tuổi 35-40) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí.
Thời gian đóng BHXH quá dài để hưởng lương hưu
Trong dự án Luật BHXH sửa đổi trình Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giảm số năm đóng BHXH từ 20 xuống 15 năm để hưởng lương hưu.
Người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với tuổi chung.
Trường hợp đã hưởng BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.
Sau khi giảm số năm đóng BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH khi đóng đủ 15 năm với nữ và 20 năm đối với nam, sau đó mỗi năm đóng được cộng thêm 2%, lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đóng.
Nếu đề xuất trên được thông qua, nữ tới tuổi nghỉ hưu khi có 15 năm đóng BHXH sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức đóng. Trường hợp người lao động được đóng BHXH chỉ bằng mức lương tối thiểu, trong 15 năm đóng vừa qua, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH chỉ 3,8 triệu đồng/tháng, nếu về hưu sẽ được mức lương 1,7 triệu đồng/tháng.
Với nam, nếu tới tuổi nghỉ hưu khi mới tham gia BHXH 15 năm, mỗi năm đóng sẽ được tính bằng 2,25% (do chưa đủ 20 năm đóng để được tính 45% lương), lương hưu được tính bằng 33,75% tiền lương tháng tính đóng BHXH. Nếu cùng mức lương tháng tính đóng BHXH là 3,8 triệu đồng/tháng như nữ, cùng đóng 15 năm, nam về nghỉ hưu sẽ nhận mức lương chưa tới 1,3 triệu đồng/tháng.
Theo tổ chức lao động quốc tế (ILO), với quy định Việt Nam hiện nay, thời gian tối thiểu là 20 năm mới đủ điều kiện nhận lương hưu là quá dài. Nhiều người lao động không kỳ vọng sẽ đóng đủ 20 năm, đặc biệt là với tỷ lệ cao nhóm lao động phi chính thức và lao động có việc làm biến động hiện nay. Trong khi theo tiêu chuẩn lao động quốc tế, thời gian đóng cần thiết để được nhận lương hưu không nên quá 15 năm.
Do vậy, cần tăng khả năng người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng cách giảm thời gian tối thiểu tham gia BHXH để có thể mang lại cho người lao động nhiều động lực hơn để tiếp tục giai đoạn đóng góp của họ.
Đóng BHXH 15 năm không có nghĩa lương hưu thấp
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, việc quy định giảm thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu không có nghĩa là về hưu lương thấp. Đây là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (tuổi 35-40) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí.
Với những người tham gia BHXH càng dài, khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao, vẫn không có gì thay đổi so với hiện nay.
Bà Hương cũng nêu thực tế, trước đây nhiều người đóng BHXH không đủ 20 năm hầu như “mất trắng”, chỉ được hưởng chế độ “một cục” (không có lương hưu), đến bây giờ khi về già đa số đời sống đều rất khó khăn.
Do vậy, chính sách hạ mức đóng còn 15 năm được hưởng lương hưu là để giúp người lao động có điều kiện được hưởng chế độ hưu trí khi về già.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, khi đến tuổi hưu, người lao động đóng BHXH ngắn thì lương hưu thấp, nhưng vẫn tốt hơn cho người lao động khi về già, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.
Mục đích của sự thay đổi này nhằm tạo điều kiện cho người tham gia BHXH ngắn được thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm là để khuyến khích và tạo cơ hội cho người ở độ tuổi trung niên, nam 45 và nữ 40 vẫn có thể tham gia BHXH.
Đồng tình với việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm nhưng nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân nêu vấn đề, theo đề xuất mức hưởng lương hưu của nam và nữ khác nhau, để được nhận mức lương hưu bằng 45% mức đóng, nữ chỉ cần đóng BHXH 15 năm còn nam phải mất 20 năm dù cơ sở đóng như nhau.
Do vậy, ông Huân đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ để đảm bảo cho người lao động hài hòa về mức đóng và mức hưởng theo hướng cả nam và nữ đóng 15 năm đều được hưởng 45% lương.