Tin vui: Nhiều người lao động sẽ được tăng lương 2 lần từ ngày 1/7/2024

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu vùng 2024. Ngoài việc được tăng lương tối thiểu vùng, nhiều lao động có thể được tăng lương thêm do điều chỉnh tiền lương tối thiểu theo vùng kể từ 1/7.

Bộ Nội vụ đã thống nhất với Bộ LĐTB&XH thời điểm tăng lương tối thiểu năm 2024 vào ngày 1/7, trùng với thời điểm cải cách tiền lương khu vực Nhà nước.

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng đề nghị Bộ LĐTB&XH rà soát việc điều chỉnh lương tối thiểu phải bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 91 Bộ luật Lao động năm 2019.

Cụ thể là mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của DN.

Tin vui: Nhiều người lao động sẽ được tăng lương 2 lần từ ngày 1/7/2024 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị định về mức lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc theo hợp đồng, mức lương tối thiểu vùng của người lao động dự kiến sẽ tăng từ 200.000 – 280.000 đồng/tháng, tương đương với mức tăng thêm 6% so với hiện hành.

Khi mức lương tối thiểu vùng tăng theo đề xuất tại dự thảo nêu trên thì lao động sẽ được tăng lương theo. Tuy nhiên, chỉ có một bộ phận người lao động đang nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng mới được hưởng lợi từ việc tăng lương tối thiểu này.

Còn lại, với nhóm có mức lương cao hơn hoặc bằng mức lương tối thiểu vùng mới, nếu muốn được tăng lương cao hơn thì phải chờ sự thỏa thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đang được đề cập đến tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP với mức thấp nhất ở vùng I là 3,25 triệu đồng/tháng và mức cao nhất là 4,68 triệu đồng/tháng.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng được Bộ LĐ-TB-XH đề xuất như sau:

Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng).

Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).

Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).

Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).

Mức điều chỉnh lương tối thiểu này cao hơn khoảng 2% so với mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2024 để cải thiện cho người lao động; dự kiến cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu năm 2025.

Tăng lương thêm nếu thông qua việc chuyển địa bàn hưởng lương tối thiểu vùng

Bên cạnh việc tăng mức lương tối thiểu, từ 1/7 tới cũng sẽ điều chỉnh một số địa bàn hưởng lương tối thiểu vùng. Cụ thể:

Chuyển từ vùng II có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,41 triệu đồng/tháng lên vùng I có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,96 triệu đồng/tháng với các địa phương: Thị xã Quảng Yên, thị xã Đông Triều, thành phố Uông Bí, thành phố Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Chuyển từ vùng III có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,86 triệu đồng/tháng lên vùng II có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 4,41 triệu đồng/tháng với các địa phương: TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình); TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa); thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa); TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).

Chuyển từ vùng IV có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,45 đồng/tháng lên vùng III có mức lương tối thiểu tháng dự kiến 3,86 triệu đồng/tháng với các địa phương: Huyện Triệu Sơn, huyện Thọ Xuân, huyện Yên Định, huyện Vĩnh Lộc, huyện Thiệu Hóa, huyện Hà Trung, huyện Hậu Lộc, huyện Nga Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa); huyện Thái Thụy, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình); huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận).

Như vậy, công nhân, một số lao động sống ở những địa bàn kể trên có thể được tăng lương tới 2 lần khi điều chỉnh lương tối thiểu vùng vào ngày 1/7/2024 tới.

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.

Theo nguyên tắc này, người sử dụng lao động không được trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Theo Phụ nữ Việt Nam

https://phunuvietnam.vn/tin-vui-nhieu-nguoi-lao-dong-se-duoc-tang-luong-2-lan-tu-ngay-1-7-2024-20240415111708055.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *