Cách tính tiền lương mới của viên chức, người lao động từ 1/7/2024
Khi cải cách tiền lương, lương của viên chức không giữ chức danh lãnh đạo tính thế nào; phụ cấp thâm niên của giáo viên bị cắt, mức lương mới có bằng mức cũ; mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động có thay đổi… là câu hỏi của các đoàn viên gửi tới chuyên gia.
Theo báo Kinh tế đô thị, buổi Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn, vệ sinh lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy tổ chức ngày 14/6, thu hút gần 300 đoàn viên công đoàn, người lao động tham dự.
Tại đây, các đoàn viên công đoàn, người lao động gửi tới 3 chuyên gia nhiều câu hỏi về những chế độ, chính sách pháp luật mới được điều chỉnh, bổ sung, liên quan đến tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động. Đặc biệt, từ 1/7/2024 khi cải cách chính sách tiền lương, nhiều đoàn viên, người lao động quan tâm đến cách tính tiền lương mới để bảo vệ quyền lợi của mình.
Về câu hỏi viên sau khi cải cách tiền lương thì tiền lương của nhóm viên chức có chức danh lãnh đạo và không giữ chức danh lãnh đạo được tính thế nào, Phó Viện trưởng Viện Quản lý và Phát triển năng lực tổ chức Vũ Hồng Ngọc phản hồi:
Trước đây, Nhà nước tính lương theo hệ số nhưng khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ bỏ hệ số, quy thành một mức tiền cụ thể.
Tới đây, khi xếp lương theo vị trí việc làm đòi hỏi các đơn vị phải có kỹ thuật đánh giá vị trí công việc. Ví dụ như sắp xếp đơn vị của mình có bao nhiêu chức danh, các điều kiện mà chức danh đó phải có sẽ tương ứng với mức lương ghi trong hợp đồng làm việc.
Khi cải cách tiền lương, tiền lương tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào việc xây dựng hệ thống lương mới. Trong quá trình tính toán, nhà nước sẽ có các yếu tố, khu vực tham chiếu để quy đổi từ mức lương có hệ số sang mức lương bằng tiền hay còn gọi là lương theo giá trị công việc. Với cách làm này sẽ đảm bảo mức lương của viên chức, người lao động không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Khi thay đổi cách tính tiền lương, phụ cấp thâm niên của giáo viên bị cắt thì mức lương mới có đảm bảo bằng mức lương cũ?
Với câu hỏi này, chuyên gia Vũ Hồng Ngọc cho hay:
Phụ cấp thâm niên nghề là khoản thu nhập tương đối lớn đối với giáo viên. Khi Nhà nước chuyển sang xây dựng tiền lương theo vị trí việc làm thì phụ cấp thâm niên được tính theo yêu cầu công việc. Tức là sẽ không còn phụ cấp thâm niên bên ngoài, mà được tính vào giá trị công việc của người đó đang đảm nhiệm. Nhưng về quy định cụ thể thế nào thì sẽ chờ văn bản hướng dẫn.
Trả lời câu hỏi, từ ngày 1/7/2024, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động thay đổi thế nào, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho biết:
Tiền lương của người lao động hiện nay đang căn cứ trên hợp đồng lao động để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Do vậy, khi cải cách tiền lương, tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn giữ nguyên; còn mức lương sẽ căn cứ trên hợp đồng lao động để thực hiện đóng.
Đến tháng 7/2024, thực hiện cải cách tiền lương, công chức, viên chức không còn hệ số lương mà chuyển sang mức tiền nhất định thì sẽ thực hiện đóng theo hợp đồng làm việc. Tùy thuộc theo bảng lương nhà nước thực hiện như thế nào, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thu theo như vậy.
Theo Tạp Chí Sở Hữu Trí Tuệ