Phải chặn ngay giá vàng đang tăng điên loạn để không gây hệ lụy kinh tế

Thời gian gần đây, giá vàng miếng tăng điên cuồng và có dấu hiệu khó kiểm soát, chuyên gia nhận định nếu cứ kéo dài sẽ tác động xấu đến kinh tế.

Báo VTC News ngày 11/05/2024 có bài viết đưa thông tin với tiêu đề: “Phải chặn ngay giá vàng đang tăng điên loạn để không gây hệ lụy kinh tế”. Với nội dung như sau:

Tính đến cuối ngày 10/5, giá vàng miếng SJC đã tăng lên mức cao nhất là 92,4 triệu đồng/lượng, đắt chưa từng có. Bất chấp mọi nỗ lực bình ổn của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng vẫn tăng như vũ bão và đi ngược chiều thế giới.

Giá vàng liên tiếp lập kỷ lục trong những ngày gần đây.

Giá vàng liên tiếp lập kỷ lục trong những ngày gần đây.

Nền kinh tế chịu hệ lụy

Phân tích việc giá vàng tăng cao tác động đến nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng vàng không còn là phương tiện thanh toán nên giá vàng biến động cũng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nếu kéo dài sẽ vẫn gây nhiều hệ lụy.

TS. Bùi Trinh phân tích, giá vàng tăng cao là do nguồn cầu lớn, chứng tỏ vàng đang thu hút một lượng lớn tiền saving (tiền tiết kiệm hoặc tiền dư thừa) trong dân. Mà đây chính là dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

“Lấy tổng thu nhập trừ đi tiêu dùng thì còn lại saving. Saving là nguồn lực để tái đầu tư cho chu kỳ sản xuất sau. Vậy mà tiền saving lại đổ vào vàng thì sẽ làm cho nền kinh tế hụt đi một nguồn lực phát triển.

Hiện người dân có tâm lý chạy theo giá vàng do giá không ngừng tăng. Họ kỳ vọng giá sẽ còn lên nữa và thường sốt ruột trước hiệu ứng đám đông nên họ không có hứng thú với việc tích tiền để tái sản xuất nữa mà đi mua vàng”.

Giá vàng càng tăng cao, người dân lại càng đổ xô đi mua. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Giá vàng càng tăng cao, người dân lại càng đổ xô đi mua. (Ảnh minh họa: Minh Đức)

Ông cho biết thêm, vàng càng tăng giá người ta càng tin rằng vàng có thể đảm bảo an toàn cho tiền saving của họ. Yếu tố tâm lý này khiến người dân đổ xô đi mua vàng, tiếp tục đẩy lực cầu tăng lên, tạo nên một vòng luẩn quẩn khiến vàng khó giảm giá.

Dòng tiền có thể dùng để tái đầu tư, sản xuất đã bị vàng thu hút sẽ làm cho nền kinh tế chậm bước tiến“, ông Trinh e ngại.

Trong khi đó, phân tích về yếu tố vĩ mô, TS. Nguyễn Hồng Minh – Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng, giá vàng tăng cao, hút nguồn tiền lớn, trong ngắn hạn sẽ làm giảm giá trị của các hàng hóa, dịch vụ, kênh đầu tư khác so với vàng. Các doanh nghiệp sản xuất, bất động sản…từ đó bị lu mờ, thậm chí thua lỗ.

Điều này có thế gây ra tác động khiến các doanh nghiệp hạn chế sản xuất. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến nguồn cung ít đi, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên.

“Giá vàng tăng lên có thể khiến giá cả hàng hóa tăng lên để tương xứng. Từ đó khiến lạm phát tăng trong dài hạn và tác động đến nền kinh tế”, ông nói.

Do đó, theo ông Minh, cần nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn giá vàng đang tăng điên cuồng hiện nay, để giảm thiểu những tác động đến kinh tế.

Còn PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định, hệ lụy lớn nhất của hiện tượng giá vàng tăng cao và chênh lệch lớn với giá thế giới là tình trạng buôn lậu vàng gia tăng. Vàng buôn lậu được “tuồn” vào cửa hàng vàng nhỏ lẻ, người dân có thể mua phải vàng kém chất lượng.

Điều này gây thất thu thuế, “chảy máu” ngoại tệ. Giá vàng tăng cao cũng tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô.

Thị trường vàng bị buông lỏng?

Giá vàng miếng gần đây tăng điên cuồng bất chấp giá thế giới không có biến động và thậm chí đi xuống. Vì thế, theo giới chuyên gia, đó là sự tăng giá bất thường.

Đã có nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, cơ quan quản lý về việc thanh tra thị trường vàng, xử lý mọi hành vi đầu cơ, đẩy giá nhưng các chuyên gia cho rằng điều này vẫn chưa đủ mạnh để kìm chân giá vàng khi chưa có chế tài cụ thể và đủ mạnh.

Nhiều chuyên gia còn nghi ngại, kịch bản giá vàng miếng SJC tăng vọt bất thường như hiện nay là có chủ ý, nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh vàng nhẫn. Từ trước đến nay giá vàng tăng được lý giải là do thiếu cung nhưng đến khi đấu thầu để tăng cung thì kết quả cho thấy thị trường cũng không cần nguồn cung này. Nhiều phiên đấu thầu đã bị hủy bỏ, trong khi 2 phiên thành công chỉ bán được 6.800 lượng.

Không thểbuông lỏng quản lý vàng nhẫn, trong khi đó chính là một dạng tiền tệ, vàng nhẫn không phải vàng trang sức”, một chuyên gia nhận định.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi: Có phải vì giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nên cơ quan quản lý chưa muốn bỏ nhiều dự trữ ngoại tệ để kéo giá vàng xuống thấp hơn, đồng thời cũng chưa mạnh tay “dẹp loạn”?

Cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bình ổn thị trường vàng trong nước. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

Cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, bình ổn thị trường vàng trong nước. (Ảnh minh họa: Công Hiếu)

PGS.TS. Ngô Trí Long cũng nhận xét những bất cập trên thị trường vàng rất chậm được giải quyết, chứng tỏ sự chưa quyết liệt của các cơ quan ban ngành khi can thiệp vào thị trường này.

Nhiều phân tích chỉ ra rằng cơ chế quản lý thị trường vàng trong nước còn bất cập, thể hiện sự lỗi thời của Nghị định 24. Chính phủ, Thủ tướng đã ra nhiều công điện yêu cầu bình ổn thị trường vàng; thực hiện nguyên tắc thị trường để quản lý, giảm bớt chênh lệch của giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Tuy vậy, đến nay, nút thắt này vẫn chưa được tháo bỏ.

“Quan trọng là phải cấp bách thay thế Nghị định 24. Việc cân nhắc sửa Nghị định này đã được đưa ra các hội thảo, hội nghị một vài năm nay rồi mà chưa vẫn chưa sửa được”, ông Long nói.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng giá vàng tăng một cách vô lý ngoài yếu tố tâm lý của người dân chính là do sự độc quyền trên thị trường. “Thế độc quyền này từ lâu đã được cảnh báo nên dẹp bỏ nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng.

Thị trường vàng sẽ ổn định khi có chính sách ổn định, cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ hơn. Từ đó, giảm hiện tượng đầu cơ, găm giữ và đẩy giá tăng phi lý, tạo sự minh bạch, phát triển bền vững. Do đó các cơ quan chức năng cần vào cuộc ngay“, một chuyên gia nêu ý kiến.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 65/NQ-CP ngày 7/5/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.

Trong phần nội dung chỉ đạo về quản lý thị trường vàng đang rất “nóng” hiện nay, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

“Chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…”, Nghị quyết nêu.

Chính phủ cho rằng, quản lý thị trường vàng hiện còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao.

Tiếp đến, tạp chí Người đưa tin ngày 10-05-2024 cũng có bài đăng liên quan với thông tin: Kịch bản giá vàng SJC lên 100 triệu đồng/lượng? Nội dung được đưa như sau:

Những ngày qua, giá vàng liên tục phá đỉnh lịch sử, hiện đã ở sát mốc 90 triệu đồng/lượng. Liệu giá vàng SJC có lên tới mốc đỉnh 100 triệu đồng/lượng?

Cuối giờ chiều ngày 9/5, giá vàng SJC chính thức tiếp tục xác lập mốc mới khi tăng lên mức 89,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.

Trước đó, giá vàng SJC đã liên tục xô đổ hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. So với đầu tuần, giá vàng SJC đã tăng 3-3,8 triệu đồng/lượng. So với mốc đỉnh 80 triệu đồng/lượng từng xác lập vào hồi đầu tháng 3, giá vàng SJC hiện đã tăng thêm hơn 9 triệu đồng.

Đáng chú ý, từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu tiên vào 23/4, giá vàng miếng SJC liên tục tăng nhanh hơn so với thị trường quốc tế. Chênh lệch giữa vàng thế giới và trong nước kéo giãn, từ con số 11 triệu đồng hiện lên tới khoảng 18 triệu đồng.

Kịch bản giá vàng SJC lên 100 triệu đồng/lượng?- Ảnh 1.

Giá vàng SJC diễn biến trong vòng 1 tuần qua. Chart: Cafef.

Với tốc độ tăng liên tục như hiện nay, liệu giá vàng SJC có chạm mốc 100 triệu đồng mỗi lượng trong năm nay?

Trả lời vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm nay, khả năng giá vàng miếng SJC lên đến 100 triệu đồng là thấp, xác suất chỉ khoảng 30%. Lý giải cho điều này, ông Hiếu dự báo sẽ có sự can thiệp của cơ quan quản lý Nhà nước trước tình trạng giá vàng tăng quá nóng như thời gian vừa qua.

Mặt khác, ông Hiếu cho rằng, nếu giá vàng tăng quá cao và đến ở điểm mà người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng. Lúc đó, bong bóng giá vàng sẽ vỡ.

Ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho rằng, người ôm vàng vẫn đang chờ đợi giá vàng còn tiếp tục tăng mạnh. Nhưng về kịch bản giá vàng lên 100 triệu đồng/lượng trong năm nay, ông Huấn dự báo sẽ không xảy ra.

Còn về thời điểm thích hợp để mua hay bán vàng, ông Huấn khuyến nghị công thức 10-15%. Khi giá vàng tăng với biên độ 10-15%, người ôm vàng có thể bán ra. Nếu giá vàng giảm, người đầu tư có thể mua vào. Mỗi nhà đầu tư có một khẩu vị riêng sẽ có quyết định riêng về thời điểm mua, bán hay tỷ trọng bán ra trong danh mục tài sản.

Trước đó, tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra bảo đảm thông suốt, gắn kết từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả.

Tổng hợp

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *